Trồng nho trên sân thượng vừa là giải pháp hạn chế bớt cái nóng của Sài gòn, vừa cung cấp rau xanh. Tùy mục đích trồng mà chúng ta có cách chọn lựa cho phù hợp từ giống cho đến cách trồng và chăm sóc.
1. Về giống, có 2 nhóm: nho lấy trái và nho lấy lá
Nho lấy trái có rất nhiều giống khác nhau về hình thức (trái to, nhỏ, vỏ xanh, tím, đen…), chất lượng trái (vị ngọt, chua, chát; thịt giòn, nhão; có hay không có hạt…), công dụng để ăn tươi hay làm rượu. Chưa thấy ở đâu dùng lá nho lấy trái ăn; người ta chỉ dùng nho chua hay nho ngọt khi còn xanh mà nấu canh chua. Giống nho lấy lá thì chỉ tốt lá, không cho trái, thu hoạch lá dùng làm rau xanh. Hiện ở Ninh Thuận mới thử trồng giống nho IAC 572 lấy lá xuất khẩu. Lá nho IAC 572 mềm mại và rìa lá không nhám như lá nho ăn trái. Lá nho (ăn lá) dùng để ăn với thịt dê cừu, món ăn quý của người theo đạo Hồi. Sau khi trồng bằng cây giống chiết hay giâm cành đạt chuẩn, chỉ mất 2 – 3 tháng, sau khi chừa lại lá đoạn thân cách gốc 2,5 – 3 m và 5 – 7 lá ngọn có thể thu hoạch một số lá; cứ 20 ngày hái lá lần kế.
Cây nho là cây lưu niên, thân bò dài, cần giàn lớn và cân chỉnh tán kết hợp điều chỉnh cho hoa trái. Vì thế, nho cần đất tơi xốp, thoát nước và có thành phần hữu cơ lớn. Khối lượng đất suy ra từ mật độ 1,5 x 2,5 m/cây trên đồng ruộng là rất lớn. Trồng nho lấy trái cho “ngon” trên sân thượng ít ra phải có 1 – 1,5 m3 đất. Nếu trồng trong thùng sơn (khoảng 30 lít) chỉ có thể trồng nho lấy lá hoặc trồng nho bonsai chơi. Trồng nho trong chậu cần đất tơi xốp dinh dưỡng cao, phải áp dụng quy trình tưới nước, bón phân rất kỹ lưỡng. Để có trái, sau khi “làm hạn”, bấm đọt, tuốt lá, tưới nước là việc đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm của người trồng nho.
2.Cách nhân giống
2.1 Chiết cành
Là cách nhân giống nho nhanh và “chắc ăn” nhưng hệ số nhân giống thấp. Chọn cành bánh tẻ (da chuyển hẳn sang nâu) có đường kính bằng chiếc đũa ăn, dùng dao chiết cành khoanh và lột sạch đoạn vỏ 3 cm. Dùng giẻ lau khô, sạch nhớt tầng sinh gỗ, sau 2 – 3 ngày dùng “bổi” và bao, dây nylon mà bó bầu. Sau 1 – 1,5 tháng rễ từ vết cắt phía trên ra đầy bầu có thể cắt khỏi thân cây, cắt bớt đầu cành, đưa vào bầu đất giâm, sau 2 – 3 tháng mang trồng.
2.2 Cách thứ hai là giâm cành.
Cách này áp dụng nhân giống nho nhanh và có hệ số nhân giống cao. Chọn cành bánh tẻ to bằng thân bút chì, cắt rời khỏi thân và tạo thành các đoạn 20 – 25 cm. Chừa 2 – 3 lá ở đầu trên mỗi đoạn cành và cắt hết lá ở phía chân đoạn cành. Sắp các đoạn cành thành bó cỡ 20 – 25 đoạn, buộc 2 lạt. Đưa gốc bó cành vào bọc nylon chứa mùn cưa, trấu mục đã phun nước ẩm (bóp mạnh thấy hơi rịn nước kẽ tay) và đặt vào chỗ mát. Sau 12 – 15 ngày mở bọc nylon lấy các đoạn cành giâm (lúc đó các đoạn cành mới “sưng” chuẩn bị ra rễ), đưa vào bầu giâm (1 đất hay cát + 1 tro hoai, 1 trấu mục trộn và tưới ẩm), lèn chặt, giữ ẩm. Sau 1,5 tháng dây nho dài 30 – 35 cm có thể mang đi trồng.
2.3 Cách thứ ba là ghép đoạn cành vào gốc ghép.
Nếu có sẵn gốc nho, có thể cắt các đoạn cành của cây cần nhân giống ghép vào gốc ghép. Một gốc có thể ghép 3 – 5 đoạn cành để tạo tán nhanh hơn. Cách này chỉ 25 – 30 ngày sau ghép, mắt trên nhánh ghép bật chồi, phát triển nhanh nhờ bộ rễ và “máy” bơm dinh dưỡng qua gốc, rất nhanh cho thu hoạch. Ghép cánh áp dụng cho cả hai trường hợp nho cho lá và cho trái.
1 nhận xét:
tiết kiệm được diện tích mà lại có thực phẩm sạch để ăn
Hoàng Nguyên Green
Đăng nhận xét