Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) xây dựng mô hình trồng dưa lê trong nhà màng có thể trồng quanh năm, trồng ở vùng đất khô hạn, nhiễm mặn… cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Theo ThS. Hoàng Đắc Hiệt, trung tâm đã chuyển giao cho nông dân Đồng Nai, Bình Dương kỹ thuật trồng dưa lê trên giá thể trong nhà màng. Quy trình kỹ thuật này giúp nông dân không phụ thuộc thời vụ, có thể trồng quanh năm, phù hợp với cả vùng bất lợi như khô hạn hay ngập mặn… tăng năng suất so với kỹ thuật cũ 1,5 lần, đặc biệt, áp dụng kỹ thuật mới sẽ giảm công lao động, thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả kinh tế đạt từ 20 – 30 triệu đồng/1.000 m2/vụ, rất thích hợp với nông nghiệp đô thị.
ThS. Hiệt cho biết, các giống dưa có khả năng thích nghi tốt được nhập từ Nhật, Đài Loan, thời gian sinh trưởng 70 ngày, năng suất 2 – 3,2 tấn/1.000 m2, các dòng dưa Nhật có độ ngọt cao hơn. Trồng dưa lê trên giá thể trong nhà màng quan trọng nhất là thiết kế nhà màng, đảm bảo cường độ ánh sáng tốt, hệ thống tưới nhỏ giọt (tưới nước và cung cấp phân bón), túi đựng giá thể, chất dinh dưỡng và phân bón cho dưa.
Đầu tiên là chuẩn bị cây con, dùng mụn dừa (xử lý sạch), tro trấu, phân hữu cơ làm giá thể gieo hạt. Trong vườn ươm chú ý phòng trừ bọ phấn trắng, bọ trĩ (môi giới truyền bệnh virus cho dưa), phòng bệnh héo rũ. Cây con gieo 10 – 12 ngày thì tiến hành trồng. Túi trồng là túi nylon kích thước 40 x 40 cm, giá thể là mụn dừa xử lý, luống cao 30 cm, rộng 30 cm, dài 20 – 30 m. Mật độ trồng tùy giống và mùa vụ, mùa nắng 2.500 – 2.800 cây/1.000 m2, mùa mưa 2.000 – 2.200 cây/1.000 m2. Phân bón (dinh dưỡng) cung cấp cho cây rất quan trọng, có thành phần dinh dưỡng cao, tan nhanh trong nước, không ăn mòn hệ thống tưới…
Khi trồng dưa lê cần lưu ý, dù trong nhà màng nhưng phải có ong để giúp dưa thụ phấn, khi dây dưa đạt 25 lá thì tiến hành bấm ngọn, mỗi dây treo để 1 – 4 trái, tỉa trái sẽ nâng chất lượng trái loại 1. Lượng dinh dưỡng và nước tưới cho dưa lê tùy theo từng giai đoạn, từ trồng tới 14 ngày cần 180 ppm (N) + 44 ppm (P) + 150 ppm (K), lượng dung dịch cần tưới 0,5 – 0,8 lít/cây/ngày. Từ 15 ngày đến khi ra hoa là 230 ppm (N) + 50 ppm (P) + 300 ppm (K), lượng dung dịch cần tưới 1 – 1,8 lít/cây/ngày, khi đậu trái tới thu hoạch cần 200 ppm (N) + 55 ppm (P) + 330 ppm (K), lượng dung dịch cần tưới 2 – 2,5 lít/cây/ngày. Cần bổ sung vi lượng B (0,3 – 0,5 ppm), Mn (0,3 ppm), Fe (2 – 3 ppm), Mo (0,05 ppm), Cu (0,1 – 0,5 ppm), Zn (0,3 ppm). pH cho dịch tưới là 5,5 – 6,5, quá trình tưới nước cho cây nên tưới dư 10%.
Dưa lê trồng trong nhà màng chủ yếu gặp một số sâu hại như bọ phấn trắng, bọ trĩ. Nên sử dụng biện pháp đấu tranh sinh học như sử dụng bọ xít, bọ rùa để khống chế. Khi mật số cao có thể sử dụng các loại thuốc phòng trừ (Abamectin, Confidor, Radiant, Ascend…). Một số bệnh hại dưa lê như héo rũ cây con, phấn trắng, sương mai… Nên sử dụng thuốc sinh học phòng trừ như Bacillus subtilis hoặc dùng thuốc như Ridomil, Carbendazim, Anvil… Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly.
Ghi chú :
- Mật độ tương đối của khí hiếm trong khí quyển có thể đo bằng ppm. ppm = 1μl/l = 1 mg/kg
- Cách tính khối lượng phân bón :http://trongraulamvuon.com/kinh-nghiem-lam-vuon/cach-tinh-cong-thuc-phan-pha-tron/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét