Dưa lưới tên khoa học là Cucumis melo, thuộc họ bầu bí, có lớp vỏ cứng màu lục với những đường gân trắng đan nhau như lớp lưới rất độc đáo. Quả dưa lưới có trọng lượng trung bình từ 1.5kg đến 3.5kg. Dưa lưới có nguồn gốc từ châu Phi và Ấn Độ. Người Ai Cập là người đầu tiên trồng giống cây này, ban đầu dưa lưới nhỏ và ít ngọt, sau thời gian nó không ngừng phát triển cho đến nay trở thành loại trái to và ngọt.
1. Trồng dưa lưới bằng công nghệ cao.
Dưa lưới hiện nay đang được trồng phổ biến rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc,… Ở Việt Nam dưa lưới mới được trồng một số năm gần đây tại các khu có áp dụng công nghệ cao như TP HCM, Bình Dương,… Dưa lưới ở đây được trồng trong các nhà màng, kiểu nhà trồng cây công nghệ Israel, mỗi nhà tứ bề có lưới ngăn côn trùng, mái thưng bằng vải nhựa chuyên dùng có khả năng che mưa, gió. Cây dưa được trồng trong các giá thể (bầu) lớn, và được lót bạt cao su nên cây không trực tiếp đất.
Dưa lưới được trồng bằng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, nước được dẫn qua hệ thống ống từ máy tưới đến tận gốc dưa theo đúng mức độ yêu cầu, phân bổ số lần tưới trong ngày theo tuổi cây, theo điều kiện thời tiết. Việc bón phân gồm các chủng loại phân, liều dùng, được pha vào hệ thống nước, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, các nguyên tố vi lượng cho cây phát triển tốt nhất.
Tuy mới xuất hiện không lâu nhưng dưa lưới được rất nhiều người tin dùng vì chất lượng ăn rất ngon và giá trị dinh dưỡng cao, hơn nữa dưa lưới yêu cầu kỹ thuật canh tác khá cao nên hiện tại đang được trồng và quản lý theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap vì vậy hoàn toàn đảm bảo an toàn khi sử dụng.
2. Trồng dưa lưới bằng phương pháp thủy canh
Với diện tích 1.000m2 nhà lưới, Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Nông Phát (thuộc Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM) đầu tư trồng dưa lưới trên giá thể xơ dừa, theo phương pháp thủy canh trong nhà lưới áp dụng quy trình VietGap.
Anh Phan Văn Bách – kỹ thuật viên của Nông Phát cho biết, là một giống cây trồng mới tại Việt Nam, dưa lưới yêu cầu kỹ thuật trồng, chăm sóc cao so với các cây trồng truyền thống khác. “Khó nhất là thời gian cây ra hoa, kết trái. Một cây sẽ cho nhiều hoa nhưng người trồng phải ngắt hết, chỉ để lại 1 nụ hoa duy nhất ở lá thứ 9, thứ 10 đếm từ gốc lên, đảm bảo các chất dinh dưỡng chỉ tập trung vào 1 trái. Sau 60 – 70 ngày thì có thể thu hoạch” – anh Bách cho biết. Ngoài ra, do trồng trong nhà lưới, cách biệt với các loại sâu bọ nên khi hoa nở, công nhân phải canh thời gian để thả ong vào, giúp cây thụ phấn.
Do sản xuất theo chuẩn VietGAP nên sản phẩm dưa lưới đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, không tồn dư các hóa chất độc hại. Ngoài ra, do trồng trên hệ thống tự động hóa nên chỉ cần 2 công nhân chăm sóc vườn dưa rộng hơn 1.000m2.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét