Mướp đắng hay còn có tên gọi khác là khổ qua, tuy khi ăn có vị đắng nhưng lại là loại quả thanh mát và có lợi cho sức khỏe của mọi người. Có một giàn mướp đắng trồng trên sân thượng không những mang lại thức ăn cho gia đình mà còn làm mát cho cả ngôi nhà của bạn. Trong khi đó, kỹ thuật trồng cây mướp đắng lại tương đối đơn giản, không mất nhiều thời gian chăm sóc mà cho quả sai trĩu cành quanh năm.
Mướp đắng là loại quả cực tốt cho sức khỏe.
Hạt giống và cách ươm hạt trồng cây mướp đắng
Để trồng mướp đắng đạt năng suất cao bạn cần chọn những quả to và cầm chắc tay để có thể lấy hạt giống với chất lượng tốt nhất.
Trước khi đem trồng bạn cần phải tiến hành ươm hạt giống. Ươm hạt giống bằng cách cho hạt mướp đắng ngâm trong nước 2 sôi 3 lạnh khoảng 4 giờ đồng hồ. Sau đó dùng khăn giấy nhúng nước vắt còn ẩm, cho hạt mướp đắng lên giấy bỏ vào túi zip và cho vào ngăn kéo tủ. Khoảng 3 đến 5 ngày hạt sẽ nứt mầm.
Chuẩn bị đất trồng cây mướp đắng
Mặc dù cây mướp đắng có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau nhưng phải tơi xốp, thoáng khí, sạch cỏ, tốt nhất là loại đất thịt pha cát. Hoặc bạn có thể đến các cửa hàng bán giống cây trồng để mua đất về trồng.
Kỹ thuật trồng cây mướp đắng
Kỹ thuật trồng cây mướp đắng trên sân thượng bằng cách gieo hạt giống trực trực tiếp vào đất sâu 0,2cm. Chú ý cần đặt hạt đứng cho đầu nứt nanh xuống dưới. Khi gieo xong cần phải phủ một lớp rơm mỏng hoặc lớp tro hoai hay phân chuồng hoai, để che phủ hạt. Khoảng cách gieo hạt giữa các cây khổ qua là 45 đến 50 cm và lấp lại đất cao khoảng 1 cm. Ngoài ra, để đề phòng có chim, chuột ăn hạt giống nên dùng nilong bọc và che vùng đất trồng mướp đắng lại nhưng phải để hở lỗ cho cây quang hợp. Sau khi trồng mướp đắng được khoảng 7 ngày cần tiến hành tỉa bỏ bớt những cây sinh trưởng kém chỉ để lại 1 cây khoẻ mập.
Chú ý: Bạn có thể dự trù làm bầu một số cây con để dậm vào những cây chết do sâu bệnh phá hoại.
Kỹ thuật trồng cây mướp đắng trên sân thượng chỉ cần bỏ chút công chăm sóc là bạn có được vườn rau đẹp tại nhà.
Cách chăm sóc cây mướp đắng
Cách chăm sóc cây mướp đắng cho cây sinh trưởng và phát triển tốt cần cung cấp đủ nước nhất là trong giai đoạn cây ra hoa kết quả. Tránh để cây quá khô hạn hoặc ngập úng. Bạn cũng cần chăm chỉ làm sạch cỏ dại và tỉa bỏ những lá bị sâu bệnh, nhánh gốc cho cây có không gian phát triển. Khi cây cao 25 đến 30cm, bắt đầu ra từ 5 đến 6 lá thật và đã bắt đầu xuất hiện tua cuốn bạn có thể trồng sang chậu lớn hơn. Cây mướp đắng khi đã có tua cuốn thì rất mau lớn và phát triển tốt.
Sâu bệnh khi trồng cây mướp đắng
Mướp đắng cũng là loài cây leo dễ bị bệnh như sâu xanh, rầy, rệp, sâu vẽ bùa, bệnh đốm lá... Gặp các bệnh này bạn có thể dùng dung dịch gừng, tỏi, ớt, rượu hoặc nước rửa chén pha loãng với nước để phun lên vùng sâu bệnh. Ngoài ra, để cây tập trung lực để nuôi quả, không được quên ngắt bỏ lá già, tỉa bớt cành héo, nhánh nhỏ, còi cọc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét