Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Thương lắm lá dong Tràng Cát…

Đến thôn Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vào một ngày cuối năm, cứ ngỡ rằng đến một nơi vốn nổi tiếng lâu đời với nghề trồng lá dong khắp cả nước, chúng tôi sẽ được đắm chìm trong những cánh đồng lá dong xanh mướt mải, trải dài ngút tầm mắt. Thế nhưng, mải miết kiếm tìm khắp đầu làng, cuối xóm, những cánh đồng lá dong đó nay còn đâu…
Ông Nguyễn Kim Ghi vẫn giữ lại nghề trồng lá dong truyền thống vốn có từ lâu đời.
Linh hồn của Tràng Cát
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, thôn Tràng Cát nức tiếng bởi nghề trồng lá dong từ những ngày đầu mới thành lập làng, đến nay đã được khoảng 600 năm. Lá dong Tràng Cát là dong nếp nên bầu lá tròn, dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài đồng màu với gân lá. Trước kia, lá dong Tràng Cát được chọn để gói bánh chưng tiến vua, bởi khi dùng lá dong này để gói, bánh chưng vừa có màu xanh tự nhiên,  đẹp mắt, vừa có hương thơm hấp dẫn. Có thể, lá dong rừng có khổ to gấp nhiều lần, song nó không mang lại hương vị và màu xanh như bánh chưng gói bằng lá được trồng ở vùng đất nơi đây. Theo các cụ cao niên, thôn này nằm trong vùng bãi bồi của sông Đáy, có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua, khí hậu thuận lợi, những yếu tố ấy làm nên thương hiệu lá dong nức tiếng nơi này.
Xưa lá dong ở thôn Tràng Cát được trồng ở khắp mọi nơi, người dân trong làng tận dụng mọi khoảng đất trống để trồng. Cây dong là loại cây ưa bóng râm nên được trồng nhiều dưới các tán cây cổ thụ trong làng, xen kẽ với các loại cây ăn quả trong vườn nhà. Theo ông Phạm Văn Cơ (trưởng thôn Tràng Cát), đây là loại cây dễ trồng, không mất nhiều vốn, chỉ cần lấy gốc của cây để trồng một lần là cho thu hoạch nhiều năm. Hàng năm lá dong được tỉa bán quanh năm nhưng thường vào tháng Chạp sẽ là vụ thu hoạch chính để có một lượng lá dong lớn phục vụ nhu cầu gói bánh chưng của nhiều nơi trong cả nước.
Là niềm tự hào của thôn, lá dong Tràng Cát không những nổi tiếng trong nước mà còn ra cả nước ngoài. Theo lời kể của những người dân trong làng, từ năm 2007, lá dong Tràng Cát đã xuất ngoại phục vụ nhu cầu Tết của bà con Việt Nam ở Mĩ, Nga và các nước Đông Âu. Ông Nguyễn Kim Ghi, người dân Tràng Cát cho biết: "5-6 năm nay nhà tôi chuyên xuất lá dong ra nước ngoài. Dịp sát Tết, bao giờ tôi cũng chuyển đi vài vạn lá. Còn ngày thường, mỗi ngày gia đình tôi xuất khoảng 3 - 4 vạn lá dong cho thương lái đi khắp nơi".
Không giấu nổi niềm tự hào, ông Phạm Văn Cơ hào hứng kể cho chúng tôi nghe, ở cái thôn nhỏ bé này, nhà cửa khang trang, xe máy, ô tô đều nhờ lá dong mà có. Bởi lẽ, chỉ cần đầu tư khoảng 500.000 đồng/năm nhưng có thể cho thu hoạch 15-20 triệu đồng. "Dong là loại cây dễ trồng, không mất quá nhiều công chăm sóc. Người nông dân chỉ cần lấy gốc để trồng một lần vào tháng 2 và cây sẽ cho thu hoạch lâu dài. Nhưng để cây tươi tốt, cho lá to, đẹp thì đòi hỏi người trồng phải thường xuyên dọn sạch lá gốc để cho nhiều mầm, lá xanh tốt, rộng bản. Công việc này cứ cách 2 tháng làm một lần, đều đặn".
Lá dong giờ đây bị thu hẹp trong những khu vườn với diện tích ít ỏi
Dần mai một
Lá dong từ lâu đã là nguồn sống của những người dân vùng bãi bồi bên sông Đáy, và có thời kỳ nó trở nguồn thu nhập chủ lực cho nhiều gia đình. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, lá dong không còn được người dân Tràng Cát chú trọng phát triển thêm diện tích nữa. Những thửa đất ở bãi ngoài, vườn trong thường trồng dong nay đã được người dân chuyển hướng sang trồng cam Canh, trồng bưởi. Nhiều người dân làng ngậm ngùi chia sẻ với chúng tôi, từ hai năm nay, 90% diện tích lá dong đã bị phá bỏ. Mới đây thôi, hàng chục mẫu dong ngoài bãi đã bị phá bỏ để trồng cây màu.
Ông Nguyễn Kim Ghi chia sẻ với chúng tôi: "Trồng dễ, chăm dễ, nhưng người dân không trồng cây dong nữa vì trồng cam Canh cho hiệu quả kinh tế hơn hàng chục lần". Nhà ông Ghi có hơn một mẫu đất, ngày trước chỉ trồng lá dong nay để canh tác các loại cây ăn quả. Lá dong chỉ còn trồng trong khu vườn nhỏ phía trước nhà. "Trồng dong chăm bón tốt, mỗi năm cũng chỉ được 10 triệu đồng/sào chưa trừ công cán. Số tiền đó không đủ chi tiêu. Trong khi đó giống cam Canh chăm đến năm thứ ba có thể thu về 70 - 80 triệu đồng/sào", ông Ghi nhẩm tính. Tiếc nuối là vậy, nhưng thời buổi kinh tế thị trường, cây nào mang lại hiệu quả kinh tế thấp hơn thì chịu thiệt. Lá dong nhường chỗ cho cam, bưởi âu cũng là điều dễ hiểu.
Giờ đây, lá dong xanh dần nhường chỗ cho vườn trồng cam, đào, quất và một số cây cảnh chơi Tết trên diện tích lớn. Những cánh đồng trồng lá dong ngút tầm mắt, giờ đây chỉ còn là kỷ niệm. Dẫu biết rằng việc người dân chuyển sang trồng cam vì mục đích phát triển kinh tế cũng là điều đáng mừng vì cuộc sống được cải thiện hơn, nhưng chỉ sợ vài năm nữa, đến cả những vườn dong xanh mướt ít ỏi len lỏi trong làng cũng không còn. Chúng tôi băn khoăn: "Khi dong không còn hiệu quả kinh tế lớn nhất với người dân Tràng Cát nữa, liệu lá dong nơi đây sẽ biến mất không?" Ông Ghi, ông Cơ cùng cười: "Lá dong Tràng Cát là linh hồn, là "đặc sản" của làng Tràng Cát. Nếu không vì kinh tế, người ta vẫn sẽ trồng. Dân còn ăn bánh chưng thì chúng tôi còn trồng lá dong. Tết mà không có bánh chưng xanh thì còn gì là Tết. Tràng Cát không có lá dong nếp thì còn gì là làng”.
Lá dong là “phần hồn” không thể thiếu của những chiếc bánh chưng ngày Tết, những con người và cánh đồng lá dong là nơi khởi nguồn làm nên “phần hồn” ấy. Những chiếc xe chuyển lá dong vẫn hối hả đưa lá dong Tràng Cát đi khắp nơi, báo hiệu cái Tết đang đến gần. Cho dù không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, những tấm lá dong xanh mơn man vẫn đủ sức níu giữ người đã từng gắn bó với nó. Và người ta luôn hy vọng ngôi làng đẹp như trong tranh này sẽ không mất dấu ấn mỗi dịp Tết đến, Xuân về.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons