Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Kỹ Thuật Trồng Cà Chua

I. Giới Thiệu
- Cà chua là loại rau ăn trái rất được ưa thích vì phẩm chất ngon và chế biến được nhiều món. Cà chua còn cho năng suất cao, do đó được trồng rộng rãi ở nhiều địa phương.
- Ở nước ta việc phát triển trồng cà chua còn có ý nghĩa quan trọng về mặt luân canh, tăng vụ và tăng năng suất trên đơn vị diện tích, do đó cà chua là loại rau được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, việc trồng cà chua chưa được phát triển mạnh theo mong muốn vì cà chua trồng trong điều kiện nóng và ẩm ở nước ta dễ mắc nhiều bệnh gây hại đáng kể như héo tươi, virus,…Ngoài ra mùa hè vùng nhiệt đới làm cà kém đậu trái vì nhiệt độ cao nên hạt phấn bị chết.
Kỹ Thuật Trồng Cà Chua
II. Đặc Tính Thực Vật
1. Rễ
Cà chua có rễ chùm, ăn sâu và phân nhánh mạnh, khả năng phát triển rễ phụ rất lớn. Trong điều kiện tối hảo những giống tăng trưởng mạnh có rễ ăn sâu 1 – 1,5m và rộng 1,5 – 2,5m, vì vậy cà chua chịu hạn tốt. Khi cấy rễ chính bị đứt, bộ rễ phụ phát triển và phân bổ rộng nên cây cũng chịu đựng được điều kiện khô hạn. Bộ rễ ăn sâu, cạn, mạnh hay yếu đều có liên quan đến mức độ phân cành và phát triển của bộ phận trên mặt đất, do đó khi trồng cà chua tỉa cành, bấm ngọn, bộ rễ thường ăn nông và hẹp hơn với điều kiện trồng tự nhiên.
2. Thân
Thân tròn, thẳng đứng, mọng nước, phù nhiều lông, khi cây lớn gốc dần dần hóa gỗ. Thân mang lá và phát hoa. Ở nách lá là chồi nách. Chồi nách ở các vị trí khác nhau có tốc độ sinh trưởng và phát dục khác nhau, thường chồi nách ở ngay dưới chùm hoa thứ nhất có khả năng tăng trưởng mạnh và phát dục sớm so với vị trí khác nhau, thường chổi nách gần gốc. Tuy khả năng sinh trưởng và phân nhánh các giống cà chua được chia làm 4 dạng hình:
- Dạng sinh trưởng hữu hạn (determinate)
- Dạng sinh trưởng vô hạn (indeterminate)
- Dạng sinh trưởng bán hữu hạn (semideterminate)
- Dạng lùn (dwart)
3. Lá
Lá thuộc lá kép lông chim lẻ, mỗi lá có 3 – 4 đôi lá chét, ngọn lá có 1 lá riêng gọi là lá đỉnh. Rỉa lá chét đều có răng cưa nông hay sâu tùy giống. Phiến lá thường phủ lông tơ. Đặc tính lá của giống thường thể hiện đầu đủ sau khi cây có chùm hoa đầu tiên.
4. Hoa
Hoa mọc thành chùm, lưỡng tính, tự thụ phấn là chính. Sự thụ phấn chéo ở cà chua khó xảy ra vì hoa cà chua tiết nhiều tiết tố chưa các alkaloid độc nên không hấp dẫn côn trùng và hạt phấn nặng không bay xa được. Số lượng hoa trên chùm thay đổi tùy giống và thời tiết, thường từ 5 – 20 hoa.
5. Trái
Trái thuộc loại mọng nước, có hình dạng thay đổi từ tròn, bầu dục đến dài. Vỏ trái có thể nẵn hay có khía. Màu sắc của trái thay đổi tùy giống và điều kiện thời tiết. Thường màu sắc trái là màu phối hợp giữa màu vỏ trái và thịt trái. Quá trình chín của trái chia làm 4 thời kỳ:
- Thời kỳ trái xanh: trái và hạt phát triển chưa hoàn toàn, nếu đem dấm trái không chín, trái chưa có mùi vị, màu sắc đặc trưng của giống.
- Thời kỳ chín xanh: trái đã phát triển đầy đủ, trái có màu xanh sáng, keo xung quanh hạt được hình thành, trái chưa có màu hồng hay vàng nhưng nếu đem dấm trái thể hiện màu sắc vốn có.
- Thời kỳ chín vàng: phấn đỉnh trái xuất hiện màu hồng, xung quanh cuống trái vẫn còn xanh, nếu sản phẩm cần chuyên chở đi xa nên thu hoạch lúc này để trái chín từ từ khi chuyên chở.
- Thời kỳ chín đỏ: trái xuất hiện màu sắc vốn có của giống, màu sắc thể hiện hoàn toàn, có thể thu hoạch để ăn tươi. Hạt trong trái lúc này phát triển đầy đủ có thể làm giống.
6. Hạt
Hạt cà nhỏ, dẹp, nhiều lông, màu vàng sáng hoặc hơi tối. Hạt nằm trong buồng chứa nhiều dịch bào kiềm hãm sự nảy mầm của hạt. Trung bình có 50 – 350 hạt trong trái. Trọng lượng 1000 hạt là 2,5 – 3,5g.
III. Điều Kiện Ngoại Cảnh
1. Nhiệt độ
Cà chua là cây chịu ẩm, một trong những điều kiện cơ bản để có được sản lượng cao và sớm ở cà chua là tạo chế nhiệt độ tối hảo cho cây từ 21 – 24 độ C, nếu nhiệt độ đêm thấp hơn ngày từ 4 - 5 độ C thì cây cho nhiều hoa. Các thời kỳ sinh trưởng và phát triển khác nhau của cây đòi hỏi nhiệt độ không khí và đất nhất định.
2. Ánh sáng
Cà chua là cây ưa sáng, không nên gieo cây con ở nơi bóng râm, cường độ tối thiểu để cây tăng trưởng là 2.000 – 3.000 lux, không chịu ảnh hưởng quang kỳ. Ở cường độ ánh sáng thấp hơn hô hấp gia tăng trong khi quang hợp bị hạn chế, sự tiêu phí chất dinh dưỡng bởi hô hấp cao hơn lượng vật chất tạo ra được bởi quang hợp, do đó cây sinh trưởng kém.
3. Nước
Yêu cầu nước của cây trong quá trình dinh dưỡng không giống nhau. Khi cây ra hoa đậu trái và trái đang phát triển là lúc cây cần nhiều nước nhất, nếu đất quá khô thì hoa và trái non dễ rụng; nếu đất thừa nước, hệ thống rễ cây bị tổn hại và cây trở nên mẫn cảm với sâu bệnh. Nếu gặp mưa nhiều vào thời gian này thì trái chín chậm và bị nứt. Lượng nước tưới còn thay đổi tùy thuộc vào liều lượng phân bón và mật độ trồng.
4. Đất và chất dinh dưỡng
Cà có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất vẫn là đất thịt pha cát, nhiều mùn hay đất phù sa, đất bồi giữ ẩm và thoát nước tốt và chứa tối thiểu là 1,5% chất hữu cơ. Cà trồng tốt nhất sau vụ cải bắp hay dưa leo, những loại cây cần bón phân nhiều hữu cơ và đạm. Cà thích hợp trên đất có pH = 5,5 – 7,0. Đất chua hơn phải bón thêm vôi.
IV. Giống
1. Giống F1 nhập nội
- Red Crown 250 (nhập từ Đài Loan do công ty Giống Cây Trồng Miền Nam phân phối): là giống lai F1, thân sinh trưởng vô hạn cao 1,5 – 2m. Giống này cần làm giàn chắc chắn, cây tăng trưởng mạnh, chống chịu tốt bệnh héo vi khuẩn và thối hạch khá, trồng được trong mùa nắng cũng như trong mùa mưa, khả năng đậu trái cao trong mùa mưa, trái phát triển đều, trái tròn, hơi có khía, rất cứng và ít nứt trái trong mùa mưa. Giống cho thu hoạch 65 – 70 ngày sau khi trồng, thời gian thu hoạch dài, năng suất 30 – 40 tấn/ha.
- TN52 (nhập từ Ấn Độ do công ty Trang Nông phân phối): Là giống lai F1, thân sinh trưởng hữu hạn, trồng được quanh năm, trái to dạng hình vuông, chín đỏ đẹp, thịt dày rất cứng, trọng lượng trái trung bình 90 – 100g, thu hoạch 65 – 70 ngày sau khi trồng, năng suất biến động từ 20 – 30 tấn/ha, lượng hột giống trồng cho 1.000m2 từ 8 – 10g (330 – 350 hột/g), trồng được quanh năm.
- Cà chua F1 số 607 (công ty Hai Mũi tên Đỏ phân phối): là giống lai F1, thân sinh trưởng hữu hạn, tán cây và lá phân bố gọn, kháng bệnh héo xanh tốt, chịu nhiệt, trồng được quanh năm. Trái dạng trứng, ngắn, hơi vuông, chín màu đỏ tươi, cứng, trọng lượng trung bình 100 – 120g/trái. Đây là giống lai F1, không nên lấy hột trong trái ăn tươi đem trồng lại vì năng suất và phẩm chất giảm.
2. Giống địa phương
- Cà cùi: trái hình tròn đẹp, to trung bình, màu hồng, trái chia nhiều ngăn, chứa nhiều hạt, trái có vị chua, có khía hay không có khía, thường sử dụng ăn tươi. Cà cùi trồng phổ biến nhiều nơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như Mỹ Tho, Gò Công…
- Cà Bòn Bon: trồng phổ biến ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Cây sinh trưởng vô hạn, trái hình bầu dục dài, màu đỏ, trơn láng, không khía, thịt dày, trái chia làm nhiều ngăn, chứa ít hạt. trái được sử dụng làm mứt, tương cà, ăn tươi hay chế biến, nấu nướng.
- Cà Gió: trồng phổ biến ở vùng An Giang, Châu Đốc. Trái hình bầu dục dài, đầu hơi nhọn, màu đỏ, không khía, thịt dày, trái chia nhiều ngăn và chứa ít hạt. Cà gió chịu nóng tốt nên trồng được vào mùa hè, trái cũng được sử dụng để chế biến, nấu nướng hay ăn tươi.
Giống địa phương năng suất thấp, trái nứt nhiều, xấu xí trong vụ mùa.
V. Kỹ Thuật Trồng
1. Thời vụ
Nhờ có giống mới nên hiện nay cà chua hầu như trồng được quanh năm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên cũng phân ra làm 3 vụ chính như sau:
- Vụ Đông Xuân: gieo tháng 10 – 11 dương lịch và thu hoạch vào tháng 1 – 2 dương lịch, đây là mùa vụ thích hợp nhất. Chú ý cây con trong thời điểm còn mưa cần chăm sóc cẩn thận.
- Vụ Xuân Hè: gieo tháng 12 – 1 dương lịch và thu hoạch tháng 3 – 4 dương lịch, cây tăng trưởng hoàn toàn trong mùa khô, nóng, khả năng đậu trái kém, cần chọn giống chịu nóng.
- Vụ Hè Thu: gieo tháng 6 – 7 dương lịch và thu hoạch tháng 9 – 10 dương lịch, cây tăng trưởng hoàn toàn trong mùa mưa, do đó đất trồng phải thoát nước tốt, chọn giống chịu mưa, ít rụng hoa, ít nứt trái, chín có màu đỏ đẹp.
Mùa mưa rất bất lợi cho cây cà nên về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc đòi hỏi người trồng cà phải tuân thủ nghiêm ngặt qui trình kỹ thuật, kỹ lưỡng và tay nghề cao, thường lợi tức cao gấp 2 – 3 lần so với chính vụ.
2. Chuẩn bị cây con
- Lượng hột gieo cho 1.000m2 là 7 – 10 gram (330 – 350 hột/gram). Hột gieo trong bầu đất hay gieo trên liếp ương 15 – 20 ngày đem trồng, cây con già hơn dễ ngã trong mùa mưa. Làm mái che cho cây con khi mưa. Đơn giản có thể dùng nilon trong suốt dễ dàng dở ra khi trời nắng hoặc lưới nilon mịt giữ suốt giai đoạn vườn ương giúp cản bớt giọt mưa to.
Chú ý: Xử lý cây con trong vườn ương bằng phun thuốc ngừa bệnh héo cây trên liếp trước khi gieo hột bằng Oxyt đồng hoặc Copper B, sau đó cách 4 -5 ngày phun một lần và phun 1 ngày trước khi đem trồng bằng một trong các loại thuốc Ridomil, Alliette, Rovral, Monceren, Benlate, Copper Zinc, Topsin-M, Kasuran…, rải Basudin sau khi gieo để ngừa kiến tha hột.
3. Chuẩn bị đất trồng
Chọn đất: cà chua chịu úng kém nên chọn đất cao ráo dễ thoát nước.
- Trên đất cũ (đất chuyên rau, đã trồng rau vụ trước): chú ý ít nhất 1 – 2 vụ trước không trồng các cây nhóm cà (ớt, cà tím, cà pháo, thuốc lá). Bởi vì các cây này cùng chung họ hàng nên có cùng tác nhân gây hại (bệnh héo xanh trên cà chua, cà phổi, ớt) và chúng có sẵn trong đất dễ dàng gây hại cây con.
- Trên đất mới (mới lên liếp trồng): trồng cà dễ thành công hơn, bởi vì đất được ngập nước trong thời gian trồng lúa nên một số mầm bệnh ở trong đất bị tiêu diệt.
Mô hình trồng cà chua dưới ruộng trong mùa mưa rất tiêu biểu ở Tiền Giang, một số nông dân tỉnh Cần Thơ trồng trên những chân ruộng không bị ngập nước trong mùa mưa lũ lụt. Phần lớn bà con các nơi khác trồng trên đất ruộng vụ xuân – hè.
Lên tiếp:
- Liếp đôi: mặt liếp rộng 1,0 – 1,3m, cao 20 cm, trồng 2 hàng, lối đi 0,5 m, khoảng cách cây 0,5m, mật độ 2.500 cây / 1.000m2, phù hợp trồng trong mùa nắng và loại hình sinh trưởng thấp.
- Liếp đơn: mặt liếp rộng 0,6m, cao 0,3 – 0,4 cm, trồng 1 hàng, lối đi 0,6m, khoảng cách cây 0,5m, mật độ 1.600 cây/1.000m2. Thích hợp trồng mùa hoặc loại cây sinh cao cây như cà RedCrown 250. Đối với cà thấp cây có thể trồng dày hơn, khoảng cách cây 0.3 – 0.4m.
4. Sử dụng màng phủ nông nghiệp (bạt plastic)
4.1 Mục đích
a. Hạn chế côn trùng và bệnh hại: mặt màu bạc của màng phủ phản chiếu ánh sáng mặt trời nên giảm bù lạch, rầy mềm, giảm bệnh do nấm tấn công ở gốc thân và đốm trên lá chân.
b. Ngăn ngừa cỏ dại: mặt đen của mảng phủ ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạt cỏ bị chết trong màng phủ.
c. Điều hòa độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất: màng phủ ngăn cản sự bốc hơi nước trong mùa nắng, hạn chế lượng nước mưa nên rễ cây không bị úng nước, giữ độ ẩm ổn định và mặt đất tơi xốp, thúc đẩy rễ phát triển, tăng sản lượng.
d. Giữ phân bón: giảm rửa trôi của phân bón khi tưới nước hoặc mưa to, ít bay hơi nên tiết kiệm phân.
e. Tăng nhiệt độ đất: giữ ẩm mặt đất vào ban đêm (mùa lạnh) hoặc thời điểm mưa dầm thiếu nắng mặt đất bị lạnh.
f. Hạn chế độ phèn, mặn: màng phủ làm giảm sự bốc hơi qua mặt đất nên phèn, mặn được giữ ở tầng đất sâu, giúp bộ rễ hoạt động tốt hơn.
4.2 Cách sử dụng màng phủ nông nghiệp
- Vật liệu và quy cách: dùng 2 cuồn mảng phủ khổ rộng 0,9 – 1m trồng cà hàng đơn, còn hàng đôi 1,5 cuồn mảng khổ 1,2 – 1,4m, diện tích vải phủ càng rộng thì hiệu quả phòng trừ sâu bệnh càng cao. Chiều dài mỗi cuồn màng phủ là 400m. Khi phủ liếp mặt xám bạc hướng lên, màu đen hướng xuống.
- Lên tiếp: lên tiếp cao 20 – 40 cm tùy mùa vụ mặt liếp phải làm bằng phẳng không được lồi lõm vì rễ khó phát triển và màng phủ mau hư, ở giữa liếp hơi cao hai bên thấp để tiện việc tưới nước.
- Rãi phân lót: liều lượng cụ thể hướng dẫn bên dưới, nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì mảng phủ hạn chết mất phân. Có thể giảm bớt 20% lượng phân so với không dùng màng phủ.
- Xử lý mầm bệnh: phun thuốc trừ nầm bệnh như Oxyt đồng hoặc Copper B (20g/10 lít) hoặc Validacin (20 cc/10 lít) đều trên mặt liếp trước khi đậy màng phủ.
- Đậy màng phủ: mùa khô nên tưới nước ngay hàng trồng cây trước khi đậy màng phủ. Khi phủ kéo căng vải bạt, hai bên mép ngoài được cố định bằng cách dùng dây chỉ bẻ hình chữ U mỗi cạnh khoảng 10cm ghim sâu xuống đất (dây chỉ sử dụng được nhiều năm) hoặc dùng tre chẻ lạc ghim mé liếp.
5. Bón phân
Tùy theo loại đất, mức phân bón trung bình toàn vụ cho 1.000m2 như sau:
20 kg urea + 50 kg super lân + 20 kg Clorua kali + 12 kg Calcium nitrat + 50 kg 16-16-8 (đối với giống thấp cây) hoặc 70kg 16-16-8 (đối với giống cao cây) + 1 tấn chuồng hoai + 100kg vôi bột, tương đương với lượng phân nguyên chất (185 – 210N) – (150-180P2O5)-(160-180k2O) kg/ha.
Bón lót: 50 kg super lân, 3 kg Clorua kali, 2 kg Calcium nitral, 10-15kg 16-16-8, 1 tấn phân chuồng và 100kg vôi. Vôi rải đều trên mặt đất trước khi cuốc đất lên liếp, phân chuồng hoai, lân rãi trên toàn bộ mặt liếp xới trộn đều. Nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì phân nằm trong màng phủ ít bị bốc hơi do ánh nắng, hay rửa trôi do mưa.
Bón phân thúc:
- Lần 1: 15 ngày sau khi cấy (giống thấp cây) và 20 ngày sau khi cấy (giống cao cây). Số lượng 4kg Urê, 3kg Clorua kali, 10 kg 16-16-8 + 2kg Calcium nitral. Bón phân bằng cách vén màng phủ lên rãi phân một bên hàng cà hoặc đục lỗ màng phủ giữa 2 gốc cà.
- Lần 2: 35 – 40 ngày sau khi cấy, khi đã đậu trái đều. Lượng bón: 6kg Urê, 5kg Clorua kali, 10 -15kg 16-16-8 + 2kg Calcium nitral. Vén màng phủ lên rãi phân phía còn lại cà hoặc bỏ phân vào lỗ giữa 2 gốc cà.
- Lần 3: khi cây 60 – 65 ngày sau khi cấy, bắt đầu thu trái rộ. Lượng bón: 6kg Urê, 5kg Clorua kali, 10 – 15kg 16-16-8 + 3kg Calcium nitral. Vén màng phủ lên rãi phân phía còn lại hoặc bỏ phân vào lỗ giữa 2 gốc cà.
- Lần 4: khi cây 70 – 80 ngày sau khi cấy đối với giống cao cây, còn giống thấp cây đã kết thúc thu hoạch. Lượng bón: 4kg Urê,4kg Clorua kali, 10 – 15kg 16-16-8 + 3kg Calcium nitral. Vén màng phủ lên rãi phân phía còn lại hoặc bỏ phân vào lỗ giữa 2 gốc cà.
Chú ý:
Cây họ cà (cà chua, ớt) rất nhạy cảm với triệu chứng thiếu Calcium, biểu hiện là thối đít trái. Ngoài việc bón lót vôi bột (tức là đã cung cấp thêm Calcium), nếu không bón thúc Calcium nitral vào đất như hướng dẫn trên bà con có thể bổ sung bằng Clorua canxi (CaCl2), nồng độ 2 – 4% phun trên lá định kỳ 7 – 10 ngày/lần từ lúc trái non phát triển. Nếu không dùng màng phủ, nên chia nhỏ lượng phân hơn và bón nhiều lần để hạn chế mất phân. Có thể dùng thêm phân bón lá vi lượng Master Grow, Risopla II và IV, Miracle,…phun định kỳ 10 ngày/lần từ khi cấy đến 10 ngày trước khi thu hoạch đợt đầu tiên, nồng độ theo khuyến cáo trên nhãn chai phân. Không nên lạm dụng chất kích thích tăng trưởng nhất là giai đoạn phát triển trái vì dễ bị bệnh và giảm phẩm chất trái.
6. Chăm sóc
- Tưới tiêu nước: cà chua nhiều nước nhất lúc ra hoa rộ và phát triển trái mạnh. Giai đoạn này thiếu nước hoặc quá ẩm đều dẫn đến đậu trái ít. Nếu khô hạn kéo dài thì tưới rảnh (tưới thấm) là phương pháp tốt nhất, khoảng 3 – 5 ngày tưới/lần. Tưới thấm vào rãnh tiết kiện nước, không văng đất lên lá, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt, không để nước ứ đọng lâu.
- Làm giàn: giàn giữ cho cây đứng vững, để cành lá và trái không chạm đất, hạn chế thiệt hại do sâu đục trái và bệnh thối trái làm thiệt hại năng suất, giúp kéo dài thời gian thu trái. Kiểu giàn chữ nhân như giàn cho dưa leo đối với giống cao cây, còn giống thấp cây thì nên đóng trụ tre hoặc tràm xung quanh hàng cà, cao 50cm, dùng dây nilon cột xung quanh.
- Tỉa chồi, lá, nụ hoa:
+ Tỉa chồi: nhiều nghiên cứu cho thấy trồng cà chua không tỉa chồi cho năng suất thấp hơn có tỉa chồi. Tập quán nông dân trồng cà chua ở đồng bằng sông Cửu Long không tỉa cành, thân lá xum xuê thường không đạt năng suất cao. Cần kịp thời khi nhánh mới lú ra 3 – 5cm để dinh dưỡng tập trung nuôi trái, thường xuyên tỉa bỏ mầm nách vô hiệu. Dùng tay đẩy gầy chứ không dùng móng tay ngắt hoặc dùng ké cắt vì dễ nhiễm bệnh qua vết thương.
+ Tỉa lá: nên tỉa bớt các lá chân đã chuyển sang màu vàng để ruộng được thoáng, nhất là những chân ruộng rậm rạp, dễ nhiễm bệnh trồng dầy trong mùa mưa.
+ Tỉa trái: mỗi chùm hoa chỉ nên để 4 – 6 trái, ngắt cuối cành mang trái để dinh dưỡng tập trung nuôi trái, trái lớn đều cỡ, giá trị thương phẩm cao.
+ Bấm ngọn: đối với giống thời gian sinh trưởng dài, cao cây, giai đoạn gần cuối thu hoạch nên bấm ngọn để trái lớn đều, thu tập trung giúp kết thúc mùa vụ gọn.
7. Phòng trừ sâu bệnh
Sâu hại
a. Sâu xanh đục trái (Heliothis armigera): kiểm tra ruộng thường xuyên, ngắt bỏ ổ trứng sẽ diệt được phần lớn sâu non sắp nở, phun thuốc khi sâu non mới nở sẽ cho hiệu quả cao. Dùng các loại thuốc như trừ sâu ăn tạp. Nên thay đổi chủng loại thuốc hoặc dùng thuốc đặc trị như Mimic 20F với liều 5cc/8lít, phun vào chiều tối và có thể phối hợp với một loại thuốc khác để gia tăng hiệu quả.
b. Dòi đục lòn lá, vẽ bùa (Liriomyza spp.): ruồi rất nhanh quen thuốc, cần thay đổi chủng loại thuốc thường xuyên, trong mùa nắng dòi phá hại nặng để hạn chế nên phun ngừa định kỳ 7 – 10 ngày/lần với dầu khoáng DC-Tron plus (Caltex) nồng độ 1,5 – 2% (tức 1,5 – 2cc/1lít nước) trong giai đoạn vườn ương và 1 tháng sau khi trồng, khi nhiều lá đã bị dòi đục nên phun dầu khoảng kết hợp với các loại thuốc gốc cúc Peran, Sumialpha 1% hoặc Baythroit 50Sl với nồng độ 2% rất có hiệu quả.
c. Bọ phấn trắng, rệp phấn trắng (Bemisiatabaci): Bọ phấn trắng phát triển nhanh trong điều kiện nóng và khô, rất nhanh quen thuốc khi phun ở nồng độ cao, hoặc phun thường xuyên định kỳ. Loài này cũng truyền bệnh siêu trùng như các loài rầy mềm. Phun Admire 50EC, Vertimec, Confidor 100SL, với nồng độ 1 – 2% ở mặt dưới lá.
d. Sâu ăn tạp, sâu ổ, sâu đàn (Spodoptera litura): nên thay đổi loại thuốc thường xuyên, phun vào giai đoạn trứng sắp nở sẽ cho hiệu quả cao: Sumicidin 10EC, Cymbus 5EC, Karate 2.5EC, Decis 2.5 EC…1 – 2% có thể pha trộn với Atabron 5EC từ 2 – 3 cc/bình xịt 8 lít.
Bệnh hại:
a. Bệnh héo cây con (Rhizoctonia solani, Phytophthora sp., Pythium sp.): nên sử dụng phân hữu cơ đã hoai mục, không để vườn ươm quá ẫm. Trộn thuốc trừ nấm vào đất hoặc tưới đất để khử mầm bệnh, phun ngừa hoặc trị bằng thuốc Copper B 2 – 3%, Ridomil, Anvil, Derosal, Appencarb 1 – 2%, Tilt 0.3 – 0.5%.
b. Bệnh héo xanh, chết nhát (vi khuẩn Pseudomonas solanacerum, nấm Fusarium oxysporum, F.lycopersici, Sclerotium sp.): cần nhổ và tiêu hủy cây bệnh; dùng vôi bột hoặc Kasuran, Copper zinc, Vertimec rãi vào đất hoặc tưới nơi gốc cây 25 – 30g/8 lít nước, phun ngừa bằng Kasumin, Kasugamicin 2 – 3%.
c. Bệnh thán thư (Colletotrichum phomoides): Thu gom và tiêu hủy trái bị bệnh, bố trí thời vụ hợp lý hoặc tránh để trái khi có mưa nhiều. Phòng trị bằng thuốc Copper-B, Manzate 200, Mancozeb 80BHN, Antracol 70WP, Ridomil 25WP 20 – 30 g/ bình phun 8 lít, Derosal 50 SC…nồng độ 1 – 2%.
d. Bệnh mốc đen lá (Cladosporium fulvum): Tiêu hủy các lá cây bệnh. Phun ngừa bằng: Copper B 3 – 4%, Rovral, Topsin M, Derosal, Ridomil 1 – 2%.
e. Bệnh héo muộn, sương mai (do nấm Phytophthora infestan): Phun các loại thuốc Aliette 80 WP, Manzate 200, Mancozed 80WP, Curzate M8 1 – 2%, Ridomil 20 – 25g/10lít.
Lưu ý: không nên phun thuốc trừ sâu độc hại như Monitor, Methylparathion, Azodrin, Furadan nhất là trong thời gian thu hái trái.
VI. Thu Hoạch
Cà cho thu hoạch khoảng 75 – 80 ngày sau khi trồng, thời gian cho thu hoạch kéo dài 30 – 60 ngày tùy theo giống vô hạn hay hữu hạn và điều kiện chăm sóc. Năng suất giống địa phương thấp 10 – 15 tấn/ha, giống nhập nội 30 – 40 tấn/ha.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons