1. Đặc tính sinh học
Bí đỏ (bí ngô) là cây ưa nhiệt độ cao, thích hợp ở 25 – 30oC. Khả năng chịu hạn tương đối khá, chịu úng ngập kém. Không kén đất, tuy vậy tốt nhất là đất nhẹ. Bộ rễ phát triển, ăn nông.
2. Giống
Giống bí đỏ chủ yếu là giống địa phương. Ở phía Nam phổ biến có giống bí Vàm Răng (các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long), giống bí dài Buôn Mê Thuột (miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên). Giống bí đỏ cao sản F1 Suprema trái tròn và giống MK trái dài.
3. Thời vụ
Bí đỏ trồng được quanh năm. Mùa khô gieo tháng 11 – 12, thu hoạch tháng 3 – 4 năm sau. Mùa mưa gieo tháng 5 – 6, thu hoạch tháng 8 – 9. Tùy điều kiện đất đai và nước từng nơi mà định thời vụ trồng thích hợp.
4. Cách trồng
Hạt gieo thẳng hay gieo qua bầu. Trước khi gieo ngâm ủ cho nảy mầm. Cây con đem trồng khi có 1 – 2 lá thật.
Làm luống rộng 2 – 3m, cao 15 – 20cm, trồng thành hốc thẳng hàng giữa luống, hốc cách nhau 0,5 – 0,7m, hốc sâu 30 – 40cm, rộng 40 – 50cm, mỗi hốc gieo 4 – 5 hạt hoặc trồng 1 bầu 2 – 3 cây. Mật độ khoảng 2.500 – 3.000 cây/1.000m2. Gieo hạt xong lấp một lớp đất mịn 2 – 3cm rồi tưới nước giữ ẩm.
5. Phân bón (cho 1.000m2)
- Bón lót: Phân chuồng hoai 1,5 – 2,0 tấn + Super lân 12 – 15kg + KCl 5 – 6kg. Đất đồi, đất chua bón thêm 80 – 100 kg vôi khi làm đất.
- Bón thúc: Lần 1 (20 ngày sau trồng, cây dài 40 – 50cm): 6 – 8 kg Urê.
Lần 2 (40 ngày sau trồng): bón 4 – 5kg Urê.
Lần 3 (khi cây ra hoa – đậu trái): bón 5 – 6kg Urê + 7 – 8kg KCl. Phân bón thúc nên hòa loãng nước tưới quanh gốc.
6. Tạo hình và thụ phấn
Khi dây bí dài khoảng 1m lấy đất lấp một đoạn thân để rễ phụ phát triển và bấm ngọn cho bí ra nhánh. Sau đó mỗi cây chỉ để dây chính và 2 – 3 nhánh, còn các nhánh khác cắt làm rau ăn. Tỉa bớt các lá già phía gốc.
Hoa đực ở bí đỏ rất nhiều (gấp hơn 20 lần hoa cái) lại thường nở sớm hơn hoa cái vài ba ngày. Trên một cây trong ngày hoa dực cũng nở sớm hơn hoa cái mà hạt phấn thì chỉ thụ tinh trong vài giờ. Vì vậy cần phải thụ phấn bổ sung để có năng suất trái cao. Khoảng 7 – 8 giờ sáng ngắt hoa đực mới nở, bỏ hết đài và cánh hoa rồi quét nhị đực lên núm nhị cái. Mỗi nhánh chỉ để 1 – 3 trái tùy giống và tùy cây xấu hay tốt.
7. Phòng trừ sâu bệnh
a. Sâu hại
Rệp muội (Aphis sp.) và bọ trĩ (Thrips palmi): Là những sâu hại thường thấy trên cây bí đỏ và là môi giới lan truyền bệnh khảm virus. Phòng trừ bằng phun các thuốc Sherpa, Fastac, Polytrin, Confidor.
b. Bệnh hại: Các bệnh thường thấy là:
Bệnh đốm vàng (do nấm Pseudoperonospora cubensis): Phòng trừ bằng các thuốc Mexyl – MZ, Ridomil gold, Ridozeb, Carbenzim…
Bệnh phấn trắng (do nấm Erysiphe cichoracearum): Dùng các thuốc Rovral, Score, Folpan, Anvil…
Ngoài ra có bệnh chết cây con (do nấm Rhizotonia solani), bệnh héo vàng (do nấm Fusarium oxysporum), bệnh khảm lá virus…
1 nhận xét:
Các kỷ thuật trồng cây tại Hoàng Nguyên Green cũng có các công đoạn và theo quy trình, tạo sự phát triển tự nhiên nhưng hạn chế sâu bệnh cho cây
Đăng nhận xét